Quy định nhiều cơ chế ưu đãi liên quan đến chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tập trung đất đai

Đất đai 07/08/2019

Thu nhập từ nông nghiệp thấp cùng với xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ đang diễn ra nhanh chóng nên tình trạng di cư ra đô thị ngày càng phổ biến. Một bộ phận không nhỏ nông dân bỏ đồng ruộng để lên các đô thị lớn tìm kiếm việc làm hoặc tự chuyển đổi nghề nghiệp với thu nhập cao hơn. Dẫn đến, một số nơi đồng ruộng bỏ hoang hoặc được thuê người làm với năng suất không cao. Ngoài ra, với xu thế chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra thu nhập cao hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương, đòi hỏi cần có một cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất linh hoạt và phù hợp.

Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý đất trồng lúa và khoản 11 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai của Chính phủ đã quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện chuyển đổi đó là không được làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa và người sử dụng đất phải đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo quy định tại Điều 110 Luật Đất đai và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Nhà nước miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án nông nghiệp thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đầu tư vào địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Để thu hút doanh nghiệp tập trung, tích tụ đất đai và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, trong đó quy định nhiều cơ chế ưu đãi liên quan đến chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tập trung đất đai, đặc biệt là hỗ trợ một phần tiền thuê đất trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương thức tập trung đất đai thông qua thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng vùng nguyên liệu; chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nghiên cứu, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường;....

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định cụ thể nhằm thúc đẩy về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho phù hợp.

Tại điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai đã có quy định Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với trường hợp “đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục”.